Tình hình kinh tế- xã hội 2 tháng đầu năm 2011-123

6
436

Ngày 24 tháng 02 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó Chính phủ yêu cầu các ngành, các địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước triển khai ngay kế hoạch hành động thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp: (1) Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; (2) Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; (3) Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; (4) Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; (5) Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; (6) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Kết quả sản xuất kinh doanh cả nước hai tháng đầu năm 2011 cụ thể như sau:

Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng Hai tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa và rau màu vụ đông xuân trên cả nước. Tính đến trung tuần tháng Hai, cả nước đã gieo cấy được 2580,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 94,1% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 673,9 nghìn ha, bằng 76,2%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1906,8 nghìn ha, bằng 102,6%.
Tiến độ gieo cấy lúa đông xuân tại các địa phương phía Bắc chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do lịch thời vụ gieo cấy năm nay chậm hơn. Ngoài ra, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đã làm nhiều diện tích mạ bị chết, phải gieo cấy lại (Quảng Bình 7,9 nghìn ha; Nghệ An 5 nghìn ha; Quảng Trị 4,4 nghìn ha; Thanh Hoá 3,3 nghìn ha). Để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân, các địa phương đang tập trung bám sát lịch xả nước từ các hồ thủy điện để kịp lấy nước đổ ải và dự trữ nguồn nước tưới cho cây trồng.  
Các địa phương phía Nam đã kết thúc việc gieo cấy lúa đông xuân. Vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch trà lúa đông xuân sớm. Tính đến ngày 15/02/2011, diện tích lúa đông xuân thu hoạch toàn vùng ước tính đạt 367,4 nghìn ha, bằng 137,1% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sâu bệnh tiếp tục xuất hiện và có xu hướng lan rộng tại các địa phương phía Nam. Hiện đã có 181,6 nghìn ha lúa đông xuân bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá. Một số địa phương có nhiều diện tích lúa bị nhiễm bệnh là: An Giang 106 nghìn ha, Kiên Giang 26,4 nghìn ha, Bạc Liêu 22,8 nghìn ha. Các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế sự lây lan ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.
Tiến độ gieo trồng một số cây màu nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến trung tuần tháng Hai, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 270,6 nghìn ha ngô, bằng 102,6% cùng kỳ năm trước; 69,0 nghìn ha khoai lang, bằng 100,8%; 95,1 nghìn ha đậu tương, bằng 111,8%; 101,6 nghìn ha lạc, bằng 102,3%; 346,8 nghìn ha rau đậu, bằng 111,8%.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài làm khoảng 65 nghìn con bị chết, trong đó chủ yếu là trâu, bò già và bê, nghé. Bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò cũng đã xuất hiện tại một số địa phương. Chăn nuôi lợn và gia cầm có thuận lợi hơn do dịch bệnh tai xanh trên lợn đã được khống chế, bên cạnh đó giá thịt lợn xuất chuồng và thịt gia cầm đang ở mức cao. Theo báo cáo sơ bộ, đàn trâu, bò hai tháng đầu năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn ước tính tăng gần 3%; đàn gia cầm tăng 7-10%.Tính đến ngày 23/02/2011, các dịch bệnh chưa qua 21 ngày là: Dịch cúm gia cầm còn ở 5 tỉnh: Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Kon Tum; dịch lở mồm long móng trên trâu, bò ở 19 tỉnh là: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang. 

Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 02 năm 2011
Lâm nghiệp
Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tại các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng của các địa phương. Tính chung hai tháng đầu năm nay, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 1000 ha, bằng 4,9% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 29,8 triệu cây, tăng 4,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 533 nghìn m3, tăng 6,6%; sản lượng củi khai thác đạt 4820 nghìn ste, tăng 2,5%. Một số địa phương có số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt khá là: Quảng Bình 1873 nghìn cây, Thanh Hóa 543 nghìn cây, Lạng Sơn 495 nghìn cây, Tuyên Quang 374 nghìn cây, Lào Cai 366 nghìn cây, Quảng Ninh 250 nghìn cây, Ninh Bình 185 nghìn cây.
Thời tiết khô hanh kéo dài trên phạm vi rộng đã gây ra cháy rừng ở một số địa phương và nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng cao. Theo báo cáo sơ bộ, diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá trong hai tháng đầu năm là 50,7 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 6,6 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 44,1 ha. Tính đến ngày 22/02/2011, cả nước có 13 tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng đang ở cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm là: Bắc Giang, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Nam, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh và 5 tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng đang ở cấp IV- cấp nguy hiểm là: An Giang, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Long An, Nghệ An. Các địa phương đang tập trung triển khai biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả; đồng thời tăng cường kiểm tra các khu vực trọng điểm để chủ động đối phó khi có cháy rừng xảy ra.
Thủy sản
Sản lượng thuỷ sản tháng Hai ước tính đạt 355,4 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 277,3 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 27,2 nghìn tấn, tăng 6,3%.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tháng Hai ước tính đạt 143 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 112 nghìn tấn, tăng 4,7%; tôm đạt 16,5 nghìn tấn, tăng 10%. Nuôi trồng thủy sản mặc dù tăng khá do giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao, nhưng giá chi phí đầu vào tăng nên người nuôi chưa thực sự yên tâm đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi. Vì vậy trong thời gian tới, nguồn cá tra nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy chế biến. Nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng đang có nhiều thuận lợi về giá tiêu thụ và chủ yếu thu hoạch trên diện tích nuôi tỉa thưa, thả bù và nuôi trái vụ.
Sản lượng thuỷ sản khai thác tháng Hai ước tính đạt 212,4 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 165,3 nghìn tấn, tăng 0,7%; tôm đạt 10,7 nghìn tấn, tăng 0,9%. Tính chung hai tháng đầu năm nay, sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 711,8 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 304,5 nghìn tấn, tăng 5,1%; sản lượng khai thác đạt 407,3 nghìn tấn, giảm 1,4%.
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Hai theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế Nhà nước tăng 12,1% (Trung ương quản lý tăng 13%; địa phương quản lý tăng 8,5%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 130,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế Nhà nước đạt 26,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7% (Trung ương quản lý đạt 21,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4%; địa phương quản lý đạt 5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6%.
Một số ngành công nghiệp có giá trị sản xuất hai tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất giày, dép tăng 52,1%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 48,8%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 28,1%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 23,7%; sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 22,9%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 20,4%; sản xuất xi măng tăng 18,9%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 18,7%; sản xuất sắt, thép tăng 18,2%. Một số ngành công nghiệp có giá trị sản xuất hai tháng đầu năm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 6,3%; sản xuất phẩm bơ, sữa tăng 6,1%; khai thác và thu gom than cứng tăng 4,6%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm 2,7%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 7,8%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 18%.
Trong hai tháng đầu năm nay, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt sản lượng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bình đun nước nóng tăng 134,7%; giầy thể thao tăng 30,9%; khí hoá lỏng tăng 26,2%; sơn hoá học tăng 25,2%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 22,3%; xi măng tăng 19,4%; xe máy tăng 19,2%; giấy bìa tăng 18,1%; đường kính tăng 17,9%; gạch lát ceramic tăng 17,2%; thuỷ hải sản chế biến tăng 15,9%; kính thuỷ tinh tăng 15,8%; giày, dép, ủng bằng da giả tăng 14,9%; xe chở khách tăng 14,7%. Một số sản phẩm có sản lượng tăng khá so với hai tháng đầu năm 2010 là: Sữa bột tăng 13,8%; điện sản xuất tăng 13,3%; phân hoá học tăng 12,1%; máy giặt tăng 11,7%; quần áo người lớn tăng 9,7%; nước sạch tăng 8,9%; than đá khai thác tăng 8,5%; thép tròn tăng 7,3%. Một số sản phẩm có sản lượng tăng thấp hoặc giảm so với hai tháng đầu năm trước là: Bia tăng 5,8%; lốp ô tô máy kéo tăng 5,5%; thuốc lá tăng 4,3%; xà phòng giặt tăng 3,1%; dầu thực vật tinh luyện tăng 2,8%; vải dệt từ sợi bông tăng 1,9%; ti vi giảm 3,1%; dầu thô khai thác giảm 4%; gạch xây bằng đất nung giảm 4,7%; khí đốt thiên nhiên giảm 8,2%; tủ lạnh, tủ đá giảm 10,7%; ô tô tải giảm 20,1%; điều hoà nhiệt độ giảm 54,4%.
Chỉ số tiêu thụ tháng 01/2011 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản phẩm bơ, sữa tăng 59,4%; đồ uống không cồn tăng 34,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 33,8%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 20,4%; sản xuất giày, dép tăng 18,5%; sắt, thép tăng 17,5%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá là: Phân bón và hợp chất nitơ tăng 14,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 13,9%; giấy nhăn và bao bì tăng 10,7%; chế biến, bảo quản thủy sản tăng 9,7%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng tăng chậm hoặc giảm là: Xi măng tăng 5,6%; bia tăng 3,6%; đồ gốm, sứ không chịu lửa tăng 3,2%; thuốc lá, thuốc lào giảm 2%; bột giấy, giấy và bìa giảm 3%; sợi và dệt vải giảm 4%; xay xát, sản xuất bột thô giảm 9%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/02/2011 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao là: Sản xuất mô tô, xe máy tăng 202,7%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 97,1%; sản xuất bia tăng 86%; sản xuất xi măng tăng 50,6%; chế biến, bảo quản thuỷ sản tăng 44,7%.
Theo kết quả điều tra lao động của 4221 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, số lao động tháng Hai của các doanh nghiệp trên tăng 0,6% so với tháng trước, trong đó lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng 0,2%; ngành khai thác tăng 0,1%; ngành điện, nước tăng 8,7%.
Biến động lao động công nghiệp tháng 02/2011 so với tháng trước của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Dương và Bắc Ninh tăng 1,6%; Vĩnh Phúc tăng 1,3%; Đồng Nai tăng 0,3%; thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng không biến động nhiều; Hà Nội giảm 0,2%; Bình Dương giảm 0,3%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 2,2%; Hải Phòng giảm 5,0%. 

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994

Đầu tư
Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng Hai ước tính đạt 10934 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương đạt 2479 tỷ đồng; vốn địa phương đạt 8455 tỷ đồng. Tính chung hai tháng đầu năm nay, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 24539 tỷ đồng, bằng 13,9% kế hoạch năm và bằng 120,7% cùng kỳ năm 2010, gồm có:
– Vốn trung ương quản lý đạt 5662 tỷ đồng, bằng 13,5% kế hoạch năm và bằng 115,6% cùng kỳ năm 2010, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải 922 tỷ đồng, bằng 12,5% và 121,5%; Bộ Công thương đạt 464 tỷ đồng, bằng 11,4% và 114,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 289 tỷ đồng, bằng 7,9% và 109,8%; Bộ Y tế 134 tỷ đồng, bằng 14,9% và 110%; Bộ Xây dựng 109 tỷ đồng, bằng 11,1% và 115,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 101 tỷ đồng, bằng 11,2% và 112,5%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 67 tỷ đồng, bằng 12% và 113,9%.
– Vốn địa phương quản lý đạt 18877 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch năm và bằng 122,3% cùng kỳ năm 2010. Một số địa phương có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn là: Hà Nội đạt 1519 tỷ đồng, bằng 7,6% kế hoạch năm và bằng 109,4% cùng kỳ năm 2010; Thành phố Hồ Chí Minh 1112 tỷ đồng, bằng 8,4% và 114,7%; Đà Nẵng 823 tỷ đồng, bằng 24% và 114,5%; Thanh Hóa 710 tỷ đồng, bằng 14,6% và 122,4%; Thừa Thiên-Huế 634 tỷ đồng, bằng 23,1% và 117%; Bà Rịa-Vũng Tàu 510 tỷ đồng, bằng 15,7% và 106,4%; Hậu Giang 428 tỷ đồng, bằng 26,4% và 142,2%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 22/02/2011 đạt 1558 triệu USD, bằng 68% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 1472 triệu USD của 93 dự án được cấp phép mới (giảm 25,7% về vốn và giảm 51,6% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 86 triệu USD của 14 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện hai tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 1150 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong hai tháng đầu năm nay, cả nước có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về vốn đăng ký với 1092,8 triệu USD, chiếm 74,2% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Đà Nẵng 180,1 triệu USD, chiếm 12,2%; Bà Rịa-Vũng Tàu 81,4 triệu USD, chiếm 5,5%; Hà Tĩnh 20 triệu USD, chiếm 1,4%; Hưng Yên 19,8 triệu USD, chiếm 1,3%.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam hai tháng đầu năm 2011, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 1062,3 triệu USD, chiếm 72,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Quần đảo Virgin thuộc Anh 186 triệu USD, chiếm 12,6%; Hàn Quốc 85,4 triệu USD, chiếm 5,8%; Nhật Bản 33,6 triệu USD, chiếm 2,3%; Bru-nây 25 triệu USD, chiếm 1,7%; Ca-na-đa 20,1 triệu USD, chiếm 1,4%…
Giải ngân vốn ODA hai tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 125 triệu USD, bằng 5,2% kế hoạch năm, bao gồm: Vốn vay đạt 98 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại đạt 27 triệu USD. 

Thu chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/02/2011 ước tính bằng 11,9% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 12,6%; thu từ dầu thô bằng 12,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 10,3%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 14,5%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 11,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 12,4%; thuế thu nhập cá nhân bằng 10%; thu phí xăng dầu bằng 13,7%; thu phí, lệ phí bằng 9,2%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/02/2011 ước tính bằng 12,1% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 12,7%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính bằng 11,7%; chi trả nợ và viện trợ bằng 12%.
Thương mại, giá cả, du lịch
Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 304,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 10,2%. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 241,7 nghìn tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn, nhà hàng 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6%; dịch vụ 27,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5%; du lịch 3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5%. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Hai ước tính đạt 5,3 tỷ USD, giảm 26% so với tháng trước và tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung hai tháng đầu năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 12,3 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 40,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7 tỷ USD, tăng 40,1% (Nếu không kể dầu thô thì đạt 6 tỷ USD, tăng 43,3%).
Trong hai tháng đầu năm nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch cao hơn cùng kỳ năm trước là: Hàng dệt may đạt 2,2 tỷ USD, tăng 54,2%; dầu thô đạt 981 triệu USD, tăng 23,3%; giày dép đạt 925 triệu USD, tăng 37,8%; thủy sản đạt 735 triệu USD, tăng 41,1%; gạo đạt 612 triệu USD, tăng 49,8%; hàng điện tử, máy tính đạt 529 triệu USD, tăng 24,8%; cao su đạt 532 triệu USD, tăng 175%; cà phê đạt 463 triệu USD, tăng 46,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 495 triệu USD, tăng 26,7%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Hai ước tính đạt 6,2 tỷ USD, giảm 22,2% so với tháng trước và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung hai tháng đầu năm 2011, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 14,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 6 tỷ USD, tăng 32%.
Trong hai tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 18,9%; xăng dầu đạt 1,6 tỷ USD, tăng 60,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 874 triệu USD, tăng 38,4%; vải đạt 859 triệu USD, tăng 47,9%; sắt thép đạt 763 triệu USD, tăng 9,6%; chất dẻo đạt 609 triệu USD, tăng 34,1%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 428 triệu USD, tăng 20,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 358 triệu USD, tăng 26%; hóa chất đạt 330 triệu USD, tăng 24,4%; ôtô nguyên chiếc 179 triệu USD, tăng 79,5% (lượng tăng 80,2%). Nhập siêu hai tháng đầu năm 2011 ước tính 1,8 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2010 và bằng 14,8% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu.  

Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2011 tăng 2,09% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 1,74% của tháng 01/2011. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 3,65% (Lương thực tăng 1,51%, thực phẩm tăng 4,53%); tiếp theo là nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 2,14%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,38%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 1,24%; giao thông tăng 1,01%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng ở mức dưới 1% gồm: Giáo dục tăng 0,89%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,83%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,64%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,30%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2011 tăng 3,87% so với tháng 12/2010; tăng 12,31% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân hai tháng đầu năm nay tăng 12,24% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá vàng tháng 02/2011 giảm 0,35% so với tháng trước; giảm 0,40% so với tháng 12/2010; tăng 36,17% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2011 tăng 0,94% so với tháng trước; tăng 0,62% so với tháng 12/2010; tăng 10,11% so với cùng kỳ năm trước. 

Vận tải hành khách và hàng hoá
Vận tải hành khách hai tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 430,4 triệu lượt khách, tăng 14,2% và 19,2 tỷ lượt khách.km, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách đường bộ ước tính đạt 394,2 triệu lượt khách, tăng 14,7% và 13,7 tỷ lượt khách.km, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 30,9 triệu lượt khách, tăng 8,9% và 655,5 triệu lượt khách.km, tăng 12,9%; đường sắt đạt 1,7 triệu lượt khách, tăng 1,1% và 602,7 triệu lượt khách.km, tương đương cùng kỳ năm trước; đường không đạt 2,5 triệu lượt khách, tăng 12,1% và 4,1 tỷ lượt khách.km, tăng 17,3%.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển hai tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 126,2 triệu tấn, tăng 10% và 27,9 tỷ tấn.km, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 120 triệu tấn, tăng 11,2% và 9,5 tỷ tấn.km, tăng 7,3%; vận tải ngoài nước đạt 6,2 triệu tấn, tăng 6% và 18,4 tỷ tấn.km, giảm 3,5%. Vận tải hàng hoá đường bộ ước tính đạt 97,4 triệu tấn, tăng 13,1% và 5,1 tỷ tấn.km, tăng 8%; đường sông đạt 20,5 triệu tấn, tăng 2,4% và 3,1 tỷ tấn.km, tăng 3,1%; đường biển đạt 7,2 triệu tấn, giảm 8% và 19 tỷ tấn.km, giảm 5%; đường sắt đạt 1,1 triệu tấn, giảm 9,2% và 570 triệu tấn.km, tăng 1,1%.
Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới hai tháng đầu năm ước tính đạt 1,5 triệu thuê bao, bằng 32,7% cùng kỳ năm 2010, bao gồm 50 nghìn thuê bao cố định, bằng 10,9% và 1,45 triệu thuê bao di động, bằng 35,1%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến hết tháng 02/2011 ước tính đạt 172,6 triệu thuê bao, tăng 32,5% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 16,5 triệu thuê bao cố định, tăng 2,4% và 156,1 triệu thuê bao di động, tăng 36,8%. Tính đến hết tháng 02/2011, số thuê bao điện thoại của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 89,2 triệu thuê bao, tăng 32% so với cùng thời điểm năm 2010, bao gồm 11,8 triệu thuê bao cố định, tăng 1,2% và 77,4 triệu thuê bao di động, tăng 38,4%.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến hết tháng 02/2011 ước tính đạt 3,83 triệu thuê bao, tăng 25,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 2,75 triệu thuê bao, tăng 26,2%. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông hai tháng đầu năm ước tính đạt 18,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta hai tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 1049,1 nghìn lượt người, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 625,8 nghìn lượt người, tăng 14,2%; đến vì công việc đạt 160,5 nghìn lượt người, tăng 1,4%; thăm thân nhân đạt 196,3 nghìn lượt người, tăng 52,8%; khách đến với mục đích khác đạt 66,5 nghìn lượt người, tăng 54%.
Trong hai tháng đầu năm, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta lớn và tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Trung Quốc đạt 191,1 nghìn lượt người, tăng 39%; Hàn Quốc đạt 102,5 nghìn lượt người, tăng 17,4%; Hoa Kỳ đạt 96,6 nghìn lượt người, tăng 8,4%; Nhật Bản đạt 92,8 nghìn lượt người, tăng 30,4%; Ôx-trây-li-a 67,5 nghìn lượt người, tăng 16,3%; Cam-pu-chia đạt 46,6 nghìn lượt người, tăng 42,8%; Ma-lai-xi-a đạt 35,7 nghìn lượt người, tăng 22,9%.

Khách quốc tế đến Việt Nam

Một số vấn đề xã hội
Tình hình đón Tết Nguyên đán Tân Mão
Thực hiện Quyết định số 68/QĐ-CTN ngày 14/01/2011 của Chủ tịch nước về việc tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011 cho các đối tượng chính sách xã hội và người có công với cách mạng, ngay từ trong Tết, nhiều đoàn đại biểu do các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước dẫn đầu đã đến thăm hỏi và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương. Lãnh đạo chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và các doanh nghiệp từng địa phương cũng tổ chức thăm hỏi và trao quà Tết cho các đồng chí lão thành cách mạng; các gia đình thương binh; bệnh binh; thân nhân liệt sỹ; gia đình có công với cách mạng và gia đình thuộc diện chính sách. Trị giá các phần quà nói trênkhoảng 949,6 tỷ đồng.Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương còn khẩn trương triển khai các hoạt động tổ chức cứu trợ xã hội cho những hộ nghèo; người khuyết tật; gia đình có hoàn cảnh khó khăn; đồng bào sinh sống tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa với tổng giá trị 1,5 nghìn tỷ đồng và 25 nghìn tấn gạo.
Bên cạnh đó, các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và bảo đảm cho nhân dân đón Tết trong không khí phấn khởi và an toàn. Các loại hàng hóa thiết yếu được cung cấp kịp thời với hàng nghìn điểm bán hàng bình ổn giá được tổ chức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Chính quyền các cấp và các đơn vị chức năng đã thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất và tàng trữ pháo, qua đó phát hiện kịp thời và xử lý 85 vụ vi phạm.
Cũng trong trong những ngày Tết Nguyên đán, các địa phương, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí và du lịch “Mừng Đảng – Mừng Xuân Tân Mão 2011”, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách trong dịp Tết như: Hội chợ xuân 2011; Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa Tao Đàn; Hội báo Xuân Tân Mão; Lễ hội xuân Thăng Long-Hà Nội; Lễ hội văn hoá xuân, v.v…Vào thời khắc Giao thừa, tất cả 63 tỉnh/thành phố đã tổ chức bắn pháo hoa mừng xuân mới tại 277 điểm trên địa bàn cả nước và biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân đón Tết.
Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, trong tháng cả nước có 143,7 nghìn hộ thiếu đói với 587,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Tình trạng thiếu đói tập trung ở các tỉnh vùng miền núi Trung du phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thiếu đói là do thời tiết rét đậm kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành, các tổ chức từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ cho các hộ thiếu đói 10,5 nghìn tấn lương thực và trên 2,3 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong tháng 02/2011, trên địa bàn cả nước đã có 3,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (2 trường hợp tử vong); 451 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 104 trường hợp mắc cúm A (H1N1) và 30 trường hợp mắc bệnh thương hàn. Tính chung hai tháng đầu năm 2011, cả nước có 6,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (4 trường hợp tử vong); 697 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 107 trường hợp mắc cúm A (H1N1) và 37 trường hợp mắc bệnh thương hàn. 
Số trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn cả nước tiếp tục gia tăng. Trong tháng đã phát hiện thêm 665 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước tính đến 16/02/2011 lên 234,4 nghìn người, trong đó 93,9 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 49,7 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại. Trong tháng Hai đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 49 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong. Tính chung hai tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 14 vụ ngộ độc thực phẩm làm trên 1 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 3 trường hợp tử vong.
Tai nạn giao thông
Theo báo cáo sơ bộ, trong tháng 01/2011, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1,2 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 1 nghìn người, làm bị thương 928 người. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ tai nạn giao thông tăng 1,4%, số người chết tăng 7%, số người bị thương giảm 0,4%. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 2,6%, số người chết tăng 3,5%, số người bị thương tăng 11,7%. Tai nạn giao thông đường bộ vẫn là chủ yếu với số vụ tai nạn chiếm 94,6% tổng số vụ, số người chết chiếm 96,3%, số người bị thương chiếm 97,4%. Bình quân một ngày trong tháng 01/2011, trên địa bàn cả nước xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, làm chết 34 người và làm bị thương 30 người. Riêng trong 06 ngày nghỉ tết Tân Mão 2011, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 384 vụ tai nạn giao thông, làm chết 300 người và làm bị thương 384 người.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 17,9 nghìn vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 4,6 nghìn mô tô và hàng chục ô tô. Để hạn chế tai nạn giao thông, một mặt các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định an toàn giao thông của các chủ phương tiện và xử lý nghiêm những trường hợp gây tai nạn; mặt khác tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông và chủ động phòng ngừa tai nạn khi tham gia giao thông.
Khái quát lại, kinh tế-xã hội hai tháng đầu năm đạt được một số kết quả tích cực. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá. Xuất khẩu có nhiều thuận lợi. Kinh doanh phục vụ khách du lịch trong và ngoài nướctiếp tụcphát triển. Công tác khắc phục hạn hán và dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp được các địa phương tập trung triển khai tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, kinh tế-xã hội nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Giá cả một số mặt hàng trên thị trường thế giới có xu hướng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng hai tháng đã ở mức cao. Việc điều chỉnh tỷ giá cùng với việc tăng giá xăng, dầu và giá điện trong nước tác động mạnh đến sự tăng giá của một loạt các sản phẩm khác do chi phí đầu vào tăng, gây khó khăn lớn cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, để từng bước tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất, các ngành, các cấp và địa phương cần thực hiện tốt và hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, quản lý chặt chẽ thị trường giá cả cũng như việc đăng ký giá của các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các trường hợp nâng giá bất hợp lý hoặc găm hàng chờ tăng giá để trục lợi của một số bộ phận. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng và thực hiện mở rộng các chương trình bình ổn giá nhằm ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm…, góp phần ngăn chặn lạm phát tăng cao.
Hai là, triển khai hỗ trợ tín dụng sản xuất cho các mặt hàng chiến lược cần bình ổn giá. Kiểm soát chặt chẽ ngoại hối. Không để xảy ra tình trạng bất ổn của hệ thống ngân hàng. Thực hiện đồng bộ, kiên quyết và thống nhất các giải pháp thắt chặt tiền tệ nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời có cơ chế lãi suất hợp lý cho các ngân hàng thương mại để bảo đảm tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Ba là, khẩn trương hoàn thiện các dự án thủy điện cũng như sử dụng tối đa công suất của các nhà máy thủy điện, bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, đặc biệt sản xuất hàng xuất khẩu. Rà soát, sửa đổi các văn bản, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp cần tăng tính tự chủ, tính toán tiết kiệm, đổi mới công nghệ để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm.
Bốn là, triển khai thực hiện đầy đủ và nghiêm túc việc kiểm tra, rà soát các dự án, công trình sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tập trung vốn ưu tiên cho các dự án mang lại hiệu quả thật sự cả về kinh tế lẫn tài chính. Tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát. Ưu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các dự án đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng.
Năm là, kịp thời ban hành chế độ và chính sách an sinh xã hội phù hợp để giải quyết khó khăn cho các hộ nghèo và cận nghèo trong giai đoạn giá cả tăng cao. Ưu tiên đầu tư cho các dự án hỗ trợ việc làm cho các đối tượng này. Tập trung quan tâm, chăm lo và kịp thời hỗ trợ cho các gia đình thuộc diện chính sách, những người có công với nước. Huy động mọi nguồn lực xã hội cho việc bảo đảm ổn định và từng bước nâng cao đời sống của các gia đình chính sách và hộ nghèo.